***** VIETNAMESE ONLY. WE APOLOGY FOR THE UNCONVENIENCE *****
Thời gian
3h00 chiều thứ Bảy, 06/08/2016
Địa điểm
Hà Nội: Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm.
TPHCM: Salon Cà phê thứ bảy, 19B Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3.
Chương trình:
14h30 - 15h00: Gặp gỡ
15h00 - 16h00: Phim "Antonio Gaudi" / đạo diễn Hiroshi Teshigahara
16h00 - 17h15: Phim "Antoni Gaudi, Kiến trúc sư của Chúa" / BBC
17h15 - 17h45: Thảo luận
# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt.
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / TID Group / Heritage Space / Cà phê Thứ Bảy
//////////////////////////////
Các bạn thân mến,
Đầu tháng 8 này, chúng ta sẽ quay ngược lại lịch sử để tìm hiểu trường phái kiến trúc "Art nouveau" (Tân nghệ thuật). Điều thú vị ở đây là trước khi có trào lưu "Kiến trúc hiện đại" theo chủ nghĩa công năng, đã tồn tại một trường phái kiến trúc mang tinh thần hiện đại khác, cũng để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử kiến trúc. "Art nouveau" thực ra là một trào lưu nghệ thuật không chỉ có mỗi kiến trúc mà còn bao gồm nhiều ngành nghệ thuật khác như hội hoạ, đồ hoạ, thiết kế nội thất và thiết kế đồ trang sức. Trào lưu nghệ thuật này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ở châu Âu từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Theo nhà sử học kiến trúc William J.R. Curtis thì thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất của kiến trúc "Art nouveau" là trong khoảng từ năm 1893 đến năm 1905.
"Art nouveau" được sinh ra để thể hiện một cách nhìn nhận mới về nghệ thuật. Nó phản kháng lại nền nghệ thuật ở thế kỷ 19, cái chỉ là sự tái tạo lại các trường phái nghệ thuật trước đó. Đồng thời "Art nouveau" muốn bảo tồn những giá trị của các ngành thợ thủ công, khi cuộc cách mạng công nghiệp có những nhược điểm như sản xuất ra những sản phẩm khô cứng vô hồn. Trường phái nghệ thuật này dựa trên mỹ học của các đường cong, đặc biệt các nghệ sĩ và kiến trúc sư lấy cảm hứng từ thiên nhiên, bao gồm cả thực vật lẫn động vật.
Hiện nay với trào lưu "Kiến trúc bền vững", chúng ta hay nhắc tới những luận điểm như đi tìm bản sắc của kiến trúc hay đi tìm các giá trị của thiên nhiên. Thực ra các luận điểm này đã được các kiến trúc sư "Art nouveau" thể hiện trong các tác phẩm của họ. Điều hấp dẫn đối với chúng ta vẫn là làm sao hiểu được cách tiếp cận của họ để rút ra những bài học cho thời đại của mình.
Để nói tới một trong những kiến trúc sư đại diện cho trường phái kiến trúc "Art nouveau", CLB Điện ảnh Kiến trúc trân trọng giới thiệu tới các bạn kiến trúc sư Antoni Gaudi (1852-1926). Ông sinh ra tại tỉnh Reus ở đất nước Tây Ban Nha, nhưng sau khi đến học kiến trúc tại thành phố Barcelona, ông đã ở lại đây sống và làm việc cho đến cuối đời. Gaudi có bốn niềm đam mê trong cuộc sống: kiến trúc, thiên nhiên, tôn giáo và tình yêu xứ sở Catalan (Reus và Barcelona trực thuộc vùng Catalan). Chính những điều này đã ảnh hưởng sâu sắc tới những tác phẩm của ông.
Gaudi bắt đầu thực hành kiến trúc cũng đúng vào thời điểm mà xứ Catalan đang có sự thay đổi lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá và đô thị. Một không khí sục sôi của giới quý tộc Catalan muốn tìm bản sắc riêng cho xứ sở của mình để chống lại quyền bá chủ của Madrid. Phần lớn những tác phẩm của Gaudi được yêu cầu bởi giới thượng lưu này. Bản thân Gaudi là người có hiểu biết sâu sắc về văn hoá Catalan, nên ông thấm nhuần truyền thống đó. Khi còn là sinh viên, ông ngồi vẽ hàng giờ các chi tiết kiến trúc Gothic ở Barcelona. Kiến trúc của ông ảnh hưởng từ kiến trúc truyền thống này, nhưng ông không sao chép nó mà tìm cách thể hiện hình thái mới để hoàn thiện nó hơn. Tính truyền thống trong kiến trúc của Gaudi còn được thấy rõ khi ông sử dụng các vật liệu địa phương, đặc biệt chúng được thực hiện bởi các người thợ thủ công mà chính bản thân ông nắm rất rõ các nghề truyền thống (Gaudi sinh ra trong một gia đình làm đồ sắt). Không dừng lại ở đó, ông còn phát minh ra những kỹ thuật mới để tạo ra những cách nhìn nhận khác về vật liệu truyền thống.
Nhưng có lẽ cái tính truyền thống sâu sắc nhất trong kiến trúc của Gaudi là sự huyền bí của tôn giáo. Ông sống cả đời một mình không có con. Khi trẻ Gaudi có yêu một người phụ nữ nhưng không được đáp lại, từ đó ông dành toàn bộ tâm hồn của mình cho Chúa (Gaudi theo đạo Cơ Đốc). Ông sống như một nhà tu và thường xuyên đi lễ nhà thờ. Những năm tháng cuối đời ông còn dọn đến ở trong công trường nhà thờ Sagrada Familia, công trình vĩ đại nhất của Gaudi, để dành cả thể xác lẫn tinh thần cho Đấng tối cao. Kiến trúc của ông như có được sự liên hệ thần bí với thế giới khác.
Để nói về hình thái kiến trúc của Gaudi, từ nhỏ ông đã có niềm đam mê quan sát thiên nhiên, hình thái kiến trúc của ông sử dụng các ngôn từ của cấu trúc thiên nhiên. Với cái nhìn đầu tiên, chúng ta có cảm giác như thiên về trang trí, nhưng thực chất chính không gian kiến trúc được biến thể theo các hình cong bất đối xứng. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là hình thái của kiến trúc được định đoạt bởi sự nghiên cứu rất chính xác của kết cấu. Mỗi vật thể thiên nhiên đều có kết cấu với lý do riêng của nó. Gaudi nghiên cứu cái tính hợp lý này của thiên nhiên để ứng dụng cho kết cấu công trình. Đây là bài học rất bổ ích về tính hiệu quả trong xây dựng, và từ đó dẫn đến việc sử dụng năng lượng ít nhất.
Có lẽ khó có từ ngữ nào miêu tả được hết sự đặc biệt của kiến trúc sư Gaudi. Duy nhất trong năm nay, CLB dành hai phim trong một buổi chiếu để nói tới người kiến trúc sư huyền thoại này. Phim thứ nhất "Antonio Gaudi" của đạo diễn Nhật Bản Hiroshi Teshigahara cho chúng ta chìm đắm trong thế giới của Gaudi cũng như cảm nhận tinh thần nơi chốn của xứ sở Catalan. Bộ phim hầu như không có lời thoại, kiến trúc nhiều khi chỉ cần xem và cảm nhận. Phim thứ hai "Antoni Gaudi, Kiến trúc sư của Chúa" (Antoni Gaudi, God's Architect) được thực hiện bởi đài truyền hình BBC. Chúng ta sẽ nghe nhà phê bình nghệ thuật Robert Hughes phân tích về những tác phẩm của Gaudi.
Kiến trúc "Art nouveau" luôn nhận những lời chỉ trích như mang quá nhiều tính cá nhân và thường chỉ dành cho giới thượng lưu, không tạo ra được kiến trúc xã hội. Nhưng hiện nay với khoảng lùi, chúng ta thấy hàng năm có hàng nghìn người đến thành phố Barcelona để chiêm ngưỡng các tác phẩm của Gaudi. Chúng trở thành niềm tự hào của tất cả dân tộc Tây Ban Nha. Vậy kiến trúc không chỉ là vấn đề về số lượng, vượt lên tất cả có lẽ vẫn là giá trị văn hoá và tinh thần !